Hotline: 0909 37 74 37
Icon Collap
Trang chủ / TP. HCM – Những phương án phát triển thị trường BĐS trong 5 năm tới

TP. HCM – Những phương án phát triển thị trường BĐS trong 5 năm tới

13/03/2017 - Đã xem: 0
giaiphapcanho – Chính sách tín dụng chưa phù hợp, còn quá nhiều thủ tục hành chính kéo dài hay những qui định của pháp luật chưa rõ ràng,… là những điểm nghẽn lớn mà thời gian qua thị trường BĐS phải đối mặt. Mặc dù thị trường đang trên đà phát triển nhưng để kênh đầu tư này trở nên bền vững và hạn chế nhiều rủi ro thì việc đề xuất các phương án điều chỉnh trong 5 năm tới là điều cần thiết. 

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có nghiên cứu Đề án phát triển thị trường bất động sản (BĐS) TP. HCM giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, HoREA đã đưa ra 9 giải pháp nhằm phát triển BĐS Thành phố trong 5 năm tới.

Theo HoREA, từ cuối năm 2013 cho đến nay, thị trường bất động sản đi vào chu kỳ phục hồi và tăng trưởng trở lại, đỉnh cao là năm 2015. Tuy nhiên, đã xuất hiện xu thế chững lại trong năm 2016 và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như: hiện tượng lệch pha cung – cầu; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn; sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp; tiền sử dụng đất đang là gánh nặng;…

Để phát triển thị trường BĐS TP. HCM mang tính ổn định và dựa vào đó làm động lực cho toàn khu vực thì HoREA đã đưa ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, HoREA kiến nghị phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở cho thuê giá rẻ phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố là hướng phát triển nền tảng để đảm bảo an sinh xã hội và thị trường BĐS thành phố phát triển lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu thực của người dân địa phương.

Hai là, HoREA kiến nghị, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu,…). Thêm vào đó, HoREA kiến nghị Quốc hội thông qua dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh” nhằm điều chỉnh hiệu quả nền kinh tế và thị trường BĐS, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng hơn; ngăn ngừa và hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu; xây dựng, phát triển thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh và bền vững.

Ba là, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông, đơn giản, minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng.

Bốn là, đối với công cụ về thuế, theo HoREA, để khuyến khích thị trường tăng trưởng thì áp dụng thuế suất thấp đánh trên thu nhập do chuyển nhượng BĐS. Để điều tiết khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng thuế suất cao, kể cả áp dụng thuế suất rất cao khi chuyển nhượng BĐS sau khi tạo lập trong năm đầu tiên.

Để khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước đã áp dụng thuế GTGT 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp 10%; Trước đây, thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng BĐS có 2 cách tính thuế (bằng 22% trên thu nhập chịu thuế, hoặc bằng 2% giá trị hợp đồng giao dịch).

Nhưng hiện nay chỉ có 1 cách tính bằng 2% giá trị hợp đồng giao dịch, đã dẫn đến tình trạng có nhiều trường hợp khai thấp để tránh thuế; Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Thuế đánh trên người có nhiều nhà dự kiến trình Quốc hội trước năm 2020; hoặc đề xuất đánh thuế cao những trường hợp chuyển nhượng nhà trong vòng 1 năm sau khi tạo lập, nhằm ngăn ngừa đầu cơ trên thị trường BĐS.

Năm là, đối với các công cụ kiểm soát rủi ro trên thị trường BĐS, bảo vệ người tiêu dùng BĐS, theo HoREA, pháp luật đã quy định cơ chế, chính sách bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng; phải xây dựng xong phần móng chung cư; phải được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn.

Phải giải chấp hoặc được ngân hàng nơi nhận thế chấp có văn bản chấp thuận trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai; hoặc chủ đầu tư phải thực hiện nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng, nghiệm thu công trình phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật trước khi bàn giao nhà ở cho khách hàng.

Sáu là, về công cụ về tín dụng, theo kiến nghị của HoREA, để khuyến khích thị trường tăng trưởng thì áp dụng chính sách tín dụng nới lỏng, lãi suất thấp, điều kiện thẩm định cho vay dễ dàng. Khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng chính sách hạn chế tín dụng, kể cả áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất cao, điều kiện thẩm định cho vay khắt khe, khống chế tăng trưởng tín dụng. Chính sách tín dụng đã và đang trở thành công cụ hiệu quả điều chỉnh thị trường BĐS.

Bảy là, Hiệp hội này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại xây dựng “Quy chế hoạt động nội bộ ngân hàng” theo hướng khuyến khích chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn, nhà cung cấp vật tư, thiết bị, khách hàng đều mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng, để tạo điều kiện cho ngân hàng giám sát dòng tiền được sử dụng đúng mục đích, giúp cho chủ đầu tư và các bên liên quan sử dụng vốn tín dụng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng.

Tám là, về công cụ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, phát triển dự án nhà ở: Để khuyến khích thị trường tăng trưởng thì Nhà nước chấp thuận cho nguồn cung quỹ đất ra thị trường nhiều hơn, chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều dự án BĐS hơn. Khi thị trường có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng chính sách hạn chế nguồn cung quỹ đất ra thị trường, hạn chế chấp thuận đầu tư các dự án bất động sản.

Hiệp hội đề nghị giao thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (bổ sung) giữa hai kỳ họp hội đồng nhân dân để đảm bảo đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư phát triển.

Chín là, HoREA kiến nghị thực hiện cơ chế phối hợp “chuỗi 05 nhà” bao gồm: (1) Nhà đầu tư phát triển dự án; (2) Nhà thầu thi công; (3) Nhà cung ứng vật tư, trang thiết bị; (4) Nhà băng – ngân hàng; (5) Nhà nước: Các chủ thể nêu trên cùng nhau hợp tác và phối hợp sẽ tạo được sức mạnh, hiệu quả để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững. Thực hiện cơ chế xã hội hóa đầu tư theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, thông qua các hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), hoặc hợp tác công – tư (PPP).

Tất cả các biện pháp này đều nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh, bền vững. Điều này sẽ tạo niềm tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm, công trình, tiến độ xây dựng cho đến khi bàn giao nhà với những tiện ích đã cam kết, từ đó giúp người mua, nhà đầu tư có sự tin cậy vào thị trường bởi đây là yếu tố quan trọng trong ngành BĐS.

Chia sẻ: